Những ảnh hưởng tác động trên cuộc cải cách Cải_cách_Kháng_nghị

Thành phố Wittenberg

Dù một số tư tưởng của thuyết nhân bản được chấp nhận rộng rãi trong vòng các nhà cải cách, ảnh hưởng lớn nhất tác động trên phong trào này là Kinh Thánh. Trong nhiều thế kỷ, Giáo hội Công giáo chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa nhân bản: từ thuyết tân Plato của các triết gia kinh viện cho đến thuyết tân Aristotle được giảng dạy bởi Thomas Aquinas và các môn sinh của ông, đã biến thuyết nhân bản trở thành một phần của giáo lý của giáo hội. Như vậy, khi Luther và các nhà cải cách khác chấp nhận tín lý "duy Thánh Kinh" (sola scriptura), xem Kinh Thánh là tiêu chí duy nhất của nền thần học, đã đặt cuộc cải cách của họ vào vị thế đối kháng với thuyết nhân bản của thời kỳ ấy.

Luther được đào tạo để trở thành giáo sư chuyên ngành thánh kinh học và đang khi giảng dạy môn học này tại Đại học Wittenberg, Kinh Thánh đã đổi mới bản thân ông. Về sau ông tỏ ra hối tiếc vì đã dành quá nhiều thời gian để nghiên cứu các tác giả nhân bản cổ điển như PlatoAristotle thay vì nghiên cứu Kinh Thánh. Cũng nên biết rằng Luther không biết đến những tác phẩm của các nhà cải cách trước ông như Jan Hus cho đến khi, qua lời chế giễu của một trong những đối thủ của ông, Johann Eck, Luther mới nhận ra rằng ông đang rao giảng điều mà Jan Hus đã giảng dạy trước đó.

Tín hữu Kháng Cách tập chú vào các khái niệm như được xưng công chính chỉ bởi đức tin (phân biệt với được xưng công chính bởi đức tin cùng với việc làm), "duy Kinh Thánh" (Kinh Thánh là thẩm quyền duy nhất và tối hậu), "quyền tư tế dành cho mọi tín hữu" (phân biệt với thẩm quyền dành cho giới tăng lữ thông qua việc cử hành các thánh lễ), mọi người phải chịu trách nhiệm trước Thiên Chúa có nghĩa là, theo Kinh Thánh, ngoại trừ Chúa Giê-xu, không ai có thể có vai trò trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Bởi vì các nhà cải cách xem các giáo lý này là bắt nguồn từ Kinh Thánh, họ khuyến khích việc xuất bản Kinh Thánh cùng với nền giáo dục phổ thông, vì họ cho rằng người ta không thể hiểu biết về sự cứu rỗi nếu không thể đọc và hiểu Kinh Thánh (Xem Năm Tín lý Duy nhất).

Adam & Eva, tranh khắc gỗ của Lucas Cranach

Trong các thế kỷ trước đó, đã có các phong trào kêu gọi hội thánh trở lại với sự dạy dỗ của Kinh Thánh, nổi bật nhất là những nỗ lực đến từ John WycliffeJan Hus. Không có gì đáng ngạc nhiên khi dễ dàng nhận thấy tư tưởng của các nhân vật này được lặp lại trong cuộc Cải cách Tin Lành, vì cả hai đều đến từ một nguồn: Kinh Thánh.

Sự trỗi dậy của ý thức quốc gia cùng mối bất bình về tình trạng đạo đức suy đồi trong giáo hội là những nhân tố xuất hiện vào cùng một thời điểm để trở thành lực đẩy cho cuộc cải cách, nhưng chính là ý thức quay về với giáo huấn của Kinh Thánh đã khởi phát cuộc cải cách, và duy trì sức mạnh của phong trào này cho đến ngày nay.

Cải cách Tin Lành là thành quả rực rỡ của phong trào xóa mù chữ cũng như phát minh máy in. Bản dịch Kinh Thánh sang tiếng Đức của Luther là thời điểm quyết định cho sự phát triển của nỗ lực xóa mù chữ cho người dân thường, đồng thời kích thích việc in ấn và phổ biến sách và tiểu luận tôn giáo. Kể từ năm 1517, các loại tiểu luận tôn giáo ngập tràn nước Đức và nhiều nơi khác ở châu Âu.[6]

Đến năm 1530 đã có hơn 10 000 xuất bản phẩm với tổng cộng 10 triệu ấn bản. Cuộc cải cách đã thúc đẩy cuộc cách mạng truyền thông. Công nghệ in ấn đã được sử dụng cách hiệu quả để truyền bá tư tưởng cải cách. Những tác gia cải cách vẫn sử dụng văn phong, ngôn ngữ, và những hình mẫu thời tiền cải cách nhưng họ biết cách ứng dụng chúng cho những mục tiêu mới.[6] Những tác phẩm viết bằng tiếng Đức như bản dịch Kinh Thánh, sách giáo lý dành cho trẻ em, và sách giáo lý dành cho mục sư của Luther đã có ảnh hưởng rộng rãi.[7]

Việc sử dụng tiếng Đức dân gian cho bản Tín điều các Sứ đồ làm cho bản tuyên tín này trở nên dễ hiểu và gần gũi hơn. Những hình ảnh minh họa cho Kinh Thánh cũng như những tiểu luận tôn giáo đã là công cụ hữu hiệu giúp phổ biến tư tưởng Luther. Danh họa Lucas Cranach (1472-1553), một thân hữu của Luther, đã góp phần minh họa nền thần học Luther cho quảng đại quần chúng.[8]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Cải_cách_Kháng_nghị http://books.google.com/books?vid=0bbTMcT6wXFWRHGP... http://books.google.com/books?vid=OCLC00403814&id=... http://books.google.com/books?vid=OCLC02338418&id=... http://books.google.com/books?vid=OCLC02338418&id=... http://www.orlutheran.com/html/mlserms.html http://www.questia.com/PM.qst?a=o&d=62407231 http://home.eckerd.edu/~oberhot/paris-siege-stbart... http://history.hanover.edu/early/prot.html http://www.umbc.edu/history/CHE/techerpages/Eppard... http://www.yale.edu/lawweb/avalon/westphal.htm